ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

 

Description: C:\Users\vtdan\Downloads\IMG_1632401607693_1632412011900.jpg

1. Vị trí địa lý

Xã Hồng Sơn nằm ở phía Tây  huyện Mỹ Đức, là một trong 6 xã thuộc vùng đồi của huyện. Xã có ranh giới hành chính như sau:

- Phía Bắc giáp xã Tuy Lai và xã An Mỹ;

- Phía Nam giáp xã Hợp Tiến;

- Phía Đông giáp xã Lê Thanh;

- Phía Tây giáp huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Xã Hồng Sơn có trục đường huyện chạy qua ở phía Đông Bắc nối với tỉnh lộ 73 ở phía Bắc và đường 21B ở phía Nam đã tạo cho Hồng Sơn một vị trí thuận lợi trong giao lưu kinh tế - văn hoá - xã hội. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có các tuyến đường liên xã giúp cho đi lại, giao lưu hàng hóa với các xã khác khá thuận lợi.

2. Địa hình, địa mạo

Xã Hồng Sơn có địa hình tương đối phức tạp so với xã khác trong huyện. Phía Tây xã là vùng núi xen lẫn với các thung lũng, có cao độ trung bình 40 - 240 m so với mặt nước biển. Một đặc điểm nữa của khu vực này là có hồ ở chân núi đá Kast tạo cho Hồng Sơn cảnh quan thiên nhiên khá độc đáo với tiềm năng ngư nghiệp và du lịch lớn.

Phía Đông xã tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình 3,8 - 4,9 m so với mặt biển; đây là vùng tập trung dân cư và các hoạt động sản xuất nông nghiệp của xã hiện nay. Nhìn chung vùng này có địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình thủy lợi.

Độ dốc địa hình phần phía Đông tuy không lớn nhưng cũng có nhiều khu vực úng trũng, diện tích này đã khai thác để cấy 1 vụ lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao, có thể chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản với hiệu quả kinh tế cao hơn.

3. Khí hậu, thời tiết

Xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm chia thành 4 mùa khá rõ nét với các đặc trưng khí hậu chính như sau:

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình hàng năm 23,10C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất vào tháng 7 trên 33,20C, tháng thấp nhất vào tháng 1 là 13,60C, mùa lạnh kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, mùa nóng từ tháng 4 - 10.

- Số giờ nắng trung bình trong năm là 1.630,6 giờ, năm cao nhất là 1.700 giờ, thấp nhất là 1.460 giờ. Số giờ nắng trung bình của các tháng mùa mưa rất cao 164,7 giờ, cao nhất là tháng 7 với 195,5 giờ. Số giờ nắng trong các tháng mùa khô có xu hướng giảm (144 giờ nắng trong tháng 11 và 120 giờ nắng trong tháng 12).

- Lượng mưa: Bình quân năm là 1.520,7 mm, phân bố trong năm không đều, mưa tập trung từ tháng 4 đến tháng 10, chiếm 85,2 % tổng lượng mưa cả năm, lượng mưa ngày lớn nhất có thể tới 336,1 mm. Mùa khô từ cuối tháng 10 đầu tháng 11 đến tháng 3 năm sau, tháng mưa ít nhất trong năm là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 chỉ có 17,5 - 23,2mm.

- Độ ẩm không khí: Trung bình năm là 85%, giữa các tháng trong năm biến thiên từ 80 - 89%. Độ ẩm không khí thấp trong năm là các tháng 11, 12 tuy nhiên chênh lệch về độ ẩm không khí giữa các tháng trong năm không lớn.

- Gió: Hướng gió thịnh hành thay đổi theo mùa, tốc độ gió trung bình cả năm là 2 - 2,3 m/s. Mùa Đông (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau) hướng gió thịnh hành là gió Đông Bắc với tần suất 60 - 70%, tốc độ gió trung bình 2,4 - 2,6 m/s, những tháng cuối mùa Đông gió có xu hướng chuyển dần về phía Đông. Mùa hè hướng gió thịnh hành là gió Đông Nam, với tần suất 50 - 70%, tốc độ gió trung bình 1,9 - 2,2 m/s. Tốc độ gió cực đại (khi có bão) là 40m/s, đầu mùa hạ thường xuất hiện các đợt gió Tây khô nóng gây tác động xấu đến mùa màng, cây trồng vật nuôi.

- Bão: Do nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ nên hàng năm thường chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân từ 4 - 6 trận/năm.

4. Thuỷ văn, nguồn nước

Nguồn nước mặt chính của Hồng Sơn là hồ Ngái Lạng ở phía Tây, sông Vĩnh An, hồ Láng ở phía Tây Bắc của xã và một số ao hồ nhỏ nằm rải rác trong xã. Ngoài ra, hệ thống kênh mương và các trạm bơm được bố trí hợp lý đã chủ động cung cấp và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp và các hoạt động sinh hoạt khác.

Các nguồn tài nguyên

1. Tài nguyên đất

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là: 1.704,06 ha trong đó:

+ Đất nông nghiệp là: 565,27 ha;

+ Đất phi nông nghiệp là: 735,37 ha;

+ Đất chưa sử dụng là: 403,42 ha.

Xã có các loại đất chính sau đây:

- Đất phù xa không được bồi (ký hiệu P): Với diện tích 115 ha chiếm 6,95% diện tích tự nhiên của xã, là sản phẩm phù sa của hệ thống sông Hồng, phân phối ở địa hình trung bình phía trong đê do từ lâu không được bổ sung phù sa mới, hình thái phẫu diện đã có sự phân hóa, đất thường có màu sắc từ sẫm đến nâu nhạt.

2. Tài nguyên nước

- Nước mặt: Nguồn nước mặt chính của Hồng Sơn là hồ Ngái Lạng ở phía Tây; sông Vĩnh An, hồ Láng ở phía Tây Bắc và một số ao hồ nhỏ nằm rải rác trong khu dân cư giúp cho Hồng Sơn có nguồn nước mặt khá phong phú. Lượng nước mặt của xã có sự biến động lớn giữa các tháng trong năm. Vào mùa mưa (kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, nhất là từ tháng 7 đến tháng 9) là những tháng có lượng mưa lớn kéo theo nguồn nước mặt lớn. Vào mùa khô lượng mưa thấp (dưới 100 mm/tháng), trong đó tháng 1, 2, 3 dưới 50 mm/tháng. Trong thời kỳ này nguồn nước mặt nhỏ.

- Nước ngầm: Qua khảo sát sơ bộ cho thấy nguồn nước ngầm tầng nông khá dồi dào có thể khai thác, sử dụng.

- Nước mưa: Lượng mưa bình quân hàng năm lớn nhưng phân bố không đều trong năm, tập trung vào các tháng 7, 8, 9 tới 80 % lượng mưa cả năm. Do vậy, mùa mưa thường gây úng lụt, mùa khô thường thiếu nước cho cây trồng và sinh hoạt.

3. Tài nguyên nhân văn

Lao động nông nghiệp là chủ yếu, nhân dân trong xã 100% là người Kinh, có truyền thống lao động cần cù, có tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết trong mọi hoạt động đời sống xã hội. Đó là truyền thống qúy báu của địa phương.   

Description: C:\Users\vtdan\Downloads\IMG_20210923_224709 (1).jpg