Đền cống thượng – Di tích lịch sử đáng được tôn vinh
Quang cảnh ngôi Đền Cống Thượng xã Hồng Sơn – Mỹ Đức – Hà Nội.
Vị anh hùng Bùi Quốc Hưng tên thật là Bùi Danh Bân, sinh năm 1359, trong một gia đình Nho giáo yêu nước, sinh quán thôn Cống Thượng, xã Cống Khê, huyện Chương Đức, Phủ Ứng Hòa (nay là thôn Cống Thượng xã Hồng Sơn, Huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội). Năm 18 tuổi (1377) Ngài thi đỗ tam trường, triều Trần Duệ Tông, được làm quan dưới triều Trần. Từ nhỏ ngài là người thông minh tính tình cương nghị, học rộng tài cao, thông hiểu kinh sử, bách gia nho, lý, thiên văn, lại giỏi binh thư võ lược, năm 18 tuổi Ngài thi đỗ tam trường, triều Trần Duệ Tông, ngài là một trong số 18 vị anh hùng có mặt ở hội thề Lũng Nhai, Ngài là hạt nhân đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, vào đầu tháng 2 năm 1416 đã thề sống chết có nhau dưới ngọn cờ của Lê Lợi, cùng nhau đánh giặc giữ nước, Ngài đứng vào hàng thứ 9 trong số những người kết nghĩa cùng Lê Lợi giữ nước.
Ngày 7/2/1418 tức ngày 2/giêng/Mậu thân Lê lợi dựng cờ khởi nghĩa xưng là Bình Định Vương lúc đó Bùi Quốc Hưng là một văn thần giỏi, đã giúp Lê Lợi. Năm 1425 Lê Lợi có sách lược mềm dẻo đón Trần Cảo về làm vua, đặt niên hiệu Thiên khánh, Bùi Quốc Hưng là người dạy Trần Cảo, Năm 1426 Ngài Bùi Quốc Hưng cùng một số tướng như Lê Ngâm, Lê An, Phạm Bơi….chỉ huy một bộ phận vây hãm thành Nghệ An.
Cuối năm 1426 nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Đông đô Hà Nội, Ngài Bùi Quốc Hưng chỉ huy quân đánh giặc ở 2 thành Điêu Diêu, ( nay là gia Lâm HN) và Thị Cầu (Bắc Ninh), Bùi Quốc Hưng dùng quân sự bao vây công thành, Nguyễn Trãi đã dùng địch vận viết thử dụ hàng. Nhờ hai mũi giáp công, đến tháng 2/1427 thành Điêu Diêu bị hạ, quân giặc bỏ giáp xin hàng, Thành Thị Cầu cũng bị Bùi Quốc Hưng chỉ huy nghĩa quân vây từ cuối năm 1426, đến tháng 3/1427 giặc minh mở cửa thành xin hàng.
Đánh đuổi giặc Minh xong, đất nước thanh bình mùa hạ năm1428 Lê Lợi phong tước cho các công thần, Ngài Bùi Quốc Hưng được phong Hương Thượng Hầu ở hàng thứ 3 trong 9 nghạch bậc phong công, và xếp vị trí thứ 7 trong 93 người được phong và ban quốc tính. Năm 1429 Lê Lợi đã giao một việc đặc biệt quan trọng là lập Thái Tử (chon người làm vua) để đáp ứng nguyện vọng của dân, làm quốc gia yên ổn, vững bền cho bốn người tin cẩn thì trong đó có ngài Bùi Quốc Hưng. Bốn người đó là Tư Khấu Lê Sát, Tư Không Lê Nhân Chú, Tư Mã Lê Lý, và Thiếu úy Bùi Quốc Hưng. Cùng thời gian Bùi Quốc Hưng được phụ trách “khu mật Viện” giúp vua sắp xếp và quản lý các quan từ trong triều đến các đạo.
Năm 1433 năm Thiệu Bình thứ nhất Ngài được phong chức Nhập nội Thái Bảo, cuối năm 1435 vua Lê Thái Tông xét ông có nhiều công lao nên đã thưởng vàng ngàn cân, ruộng nghìn khoảnh, một trang trại vườn nghề, khu đất đó hiện nay là trường tiểu học xã HS, và khu mộ lăng 5 sào nay là Nghĩa trang Liệt Sỹ của xã.
Ngày 15/8/ 1445 (Ất Dậu) Ngài tạ thế hưởng thọ 86 tuổi. Ngài được phong tặng Thái phó Tráng Quận Công, Năm 1447 lại được gia tặng “Quốc công”.
Ngài mất nhân dân trong xã lập đền thờ để đời đời ghi nhớ, thắp hương tưởng niệm tới công đức của Ngài. Ngôi đền được nhân dân tôn thờ tại thôn Cống Thượng, xã Hồng Sơn, ngôi đền được làm theo kiểu chữ Đinh phong cách thời Nguyễn, ngôi đền hiện nay còn lưu giữ nhiều sắc phong thời Lê và thời Nguyễn, về 3 cha, con, cháu là Bùi Quốc Hưng, Bùi Quốc Bị và Bùi Quốc Ban. Trong đó có sắc về Ngài niên hiệu triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 45. Ngoài Đền con lưu truyền cây Đại cổ thụ, theo các cụ cao tuổi trong làng, cây Đại này không biết có tự bao giờ.
Năm 1998 Đền Cống Thượng được UBND tỉnh Hà Tây trao quyết định bảo vệ di tích Lịch sử - Văn hóa.
Nhìn chung ngôi Đền Cống Thượng được đại tu lại vào đầu thế kỷ 19 nên mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Tuy nhiên về mặt lích sử Ngôi đền đã có từ thời Lê. Theo sắc phong cho thấy và khẳng định vào năm 1784 (năm cảnh Hưng 45). Đền đã khang trang, việc thờ cúng vị khai quốc công thần Bùi Quốc Hưng đã ăn sâu trong tiềm thức của nhân dân.
Một trong số sắc những phong còn được lưu giữ trong Đền.
Sau đó gần 100 năm Đền được dựng lại có quy mô khang trang. Điều này ghi rõ trong văn bia ở một bia đá, tạc thân vuông, dựng ở trước Đền. Nội dung văn bia như sau: “Dân xã Cống Khê Tổng Bột Xuyên sửa miếu Lê tướng công, Nhân dân ghi bia lưu truyền về sau.
Để ghi danh và lưu truyền cho đời đời về sau, hàng năm nhân dân trong xã có lòng hảo tâm ủng hộ tiền của để tu bổ tôn tạo, điều này được ghi rõ trong sổ sách, qua các thế hệ ban quản lý Đền ghi nhận
Lễ hội truyền thống 15/8 Đền Cống Thượng hàng năm được tổ chức được nhân dân về dự đông vui và chiêm bái.
Hàng năm cứ vào ngày 15/8 âm lịch là ngày lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài, Ban quản lý đền tổ chức lễ hội trong 3 ngày 14, 15, 16/8 âm lịch, nhân dân trong xã lại được về chiêm ngưỡng và tế lễ, với tinh thần phấn khởi, tạo mối đoàn kết trong nhân dân xã Hồng Sơn.
Năm 2018 ngôi Đền được các nhà hảo tâm cung đức ủng hộ mua sắm nội thất trong đền và chát lại toàn bộ tường trong và ngoài của ngôi đền, trị giá 140 triệu đồng, trong đó có Ông Bùi Văn Lành người con của quê hương đang công tác tại TP Hồ Chí Minh, cung đức trên 70 triệu đồng, Ông Bùi Minh Tuấn đang công tác tại Miền Nam ủng hộ 25 triệu đồng và nhiều các con em của quê hương cung tiến để ngôi đền được khang trang.
Đền Cống Thượng là một đền đài nghệ thuật tưởng nhớ người có công đánh đuổi quân Minh xâm lược mở nghiệp nhà Lê. Năm 1998 ngôi Đền Cống Thượng được UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định bảo vệ. Từ đó ngôi Đền được Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã phối hợp bảo vệ, giữ gìn để lưu truyền cho con cháu đời đời thắp hương tưởng niệm và chiêm bái. Vì vậy nhân dân ta cần phải lưu giữ và tuyên truyền cho thế hệ đời sau.
Sưu tầm