Diện mạo mới, sức sống mới trên quê hương Hồng Sơn

13/11/2022
Mô hình Sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP vụ mùa năm 2022

Xã Hồng Sơn nằm ở miền trung huyện Mỹ Đức, phía Bắc giáp xã An Mỹ, phía Nam giáp xã Hợp Tiến, phía Đông giáp xã Lê Thanh, phía tây giáp xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.705,15 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 439,89 ha, với 2.025 hộ, 8.250 khẩu; phạm vi quản lý địa bàn hành chính Nhà nước gồm có 7 thôn, 9 đội sản xuất. Đảng bộ xã có 13 Chi bộ, với 348 đảng viên. Trong năm 2022, Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể xã đã chủ động, sáng tạo, có nhiều biện pháp, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác an ninh - quốc phòng trên địa bàn xã luôn được giữ vững, ổn định, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Xác định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Do vậy, Đảng ủy, HĐND và UBND xã đã thường xuyên quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản của cấp trên đến các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị thôn, đội và toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, tiếp tục thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. UBND xã, HĐTĐKT xã đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua tới các ban, ngành, đoàn thể các đơn vị thôn, đội. Toàn thể đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn đã nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 và các bệnh lạ khác, ứng phó kịp thời với thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường diễn biến phức tạp. Nhờ đó, góp phần đưa xã Hồng Sơn phát triển mạnh về kinh tế, chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng luôn được giữ vững.

( Mô hình lúa Thiên ưu 8 tại xứ Đồng Quan thôn Đặng)

         Trong những năm trước đây, cuộc sống của nhân dân trong xã gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã quyết tâm phải nhanh chóng giúp nhân dân vượt qua đói nghèo, nâng cao thu nhập bằng những phương thức làm ăn mới. Trong đó tập trung quy hoạch diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa; đặc biệt là đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nhân rộng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, mô hình lúa, cá, vịt  ở những chân ruộng trũng. Tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học cho nhân dân. Nhân dân trên địa bàn xã đã hăng hái tiếp thu khoa học kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm và áp dụng những tiến bộ mới… Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã có những bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt năm 2022, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy - HĐND - UBND xã Hồng Sơn đã chỉ đạo Hợp tác xã nông nghiệp xây dựng mô hình sản xuất 18,2 ha lúa Thiên ưu 8, lúa VNR 20 tại xứ đồng Quan, thôn Đặng theo tiêu chuẩn VietGap, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam bao tiêu sản phẩm cho các hộ tham gia mô hình.

( Sản phẩm Gạo Thiên ưu 8 Vietgap)

Trong quá trình triển khai mô hình sản xuất, HTX đã phối hợp với cấp ủy Chi bộ thôn Đặng ra Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình. Giao cho thôn, đội sản xuất rà soát, lập danh sách các hộ có diện tích tại xứ đồng Quan, động viên các hộ tham gia sản xuất; đồng thời, tổ chức họp các Chi hội đoàn thể trong thôn nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên trong việc thực hiện mô hình; hiệu quả và lợi ích kinh tế thu được khi thực hiện thành công mô hình. Từ đó làm nền tảng trong việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, HTX đã phối hợp với thôn và đội sản xuất tổ chức hội nghị họp các hộ có diện tích trên xứ đồng Quan để thông báo về chủ trương, chương trình kế hoạch xây dựng nông thôn mới, kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2022, trong đó trọng tâm là sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP để các hộ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện mô hình và được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Để thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa VietGAP. HTX đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, Trung tâm phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các hộ tham gia, tổ chức lấy mẫu đất, mẫu nước để đánh giá, chỉ đạo các hộ chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn của Trung tâm đối với từng giai đoạn phát triển của cây lúa, hướng dẫn các hộ viết nhật ký sản xuất, thu hoạch, bảo quản theo đúng quy định.

( Giấy chứng nhận sản phảm đạt tiêu chuẩn Vietgap)

Đến nay, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Vietgap đã được Trung tâm phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận số: 0708/GCN- TTPT, ngày 07/10/2022 với quy mô 18,2 ha sản lượng đạt khoảng 265 tấn/năm. Sản phẩm đã đăng ký và có truy suất nguồn gốc (mã QR), được Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Hà Nội cấp mã số vùng trồng, ký cam kết tiêu thụ với sàn thương mại điện tử Sàn Pormart.Vn - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, liên doanh liên kết tiêu thụ nông sản với Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam.

Sản phẩm Gạo Thiên ưu 8 VIETGAP đã được tham gia Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Mỹ Đức năm 2022, từ ngày 10/11 đến ngày 13/11/2022, đã đón nhận được tình cảm của các đồng chí lãnh đạo huyện Mỹ Đức và các khách hàng đánh giá cao về sản phẩm của địa phương.

( Sản phẩm gạo Thiên Ưu 8 tham giá Hội chợ )

Ban Biên tập trang

THÔNG BÁO

Video